Cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc đã trở thành nét văn hóa đời thường rất đặc biệt trong cuộc sống người dân xứ sở kim chi. Mô hình kinh doanh này phát triển mạnh mẽ và là điểm đến quen thuộc của mọi người, nhất là sinh viên và người có thu nhập trung bình – thấp. Vậy cửa hàng tiện lợi có đặc điểm gì khiến bạn không thể bỏ qua?
Nội dung bài viết
1. Đặc điểm của cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc
Đúng với ý nghĩa của hai từ “tiện lợi”, những cửa hàng này bán cả trăm mặt hàng với giá cực kỳ phải chăng, từ nhu yếu phẩm, vật dụng hàng ngày dùng cho nhà cửa, cá nhân, đến thức ăn, bia rượu,… Các cửa hàng mở cửa 24/24, hoạt động không nghỉ kể cả ngày lễ, đúng nghĩa tiện ích cần mua gì có ngay, bất kể lúc nào.
Cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc có thiết kế bình thường, đơn giản, không sang trọng, hào nhoáng như các cửa hiệu trên phố. Các cửa hàng thu hút số lượng lớn khách hàng nhờ giá rẻ, phù hợp với sinh viên, người có thu nhập trung bình – thấp, hoặc giới văn phòng muốn dùng bữa nhanh gọn với thức ăn chế biến sẵn.
CU – chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn thứ 2 Hàn Quốc
Sau gần 40 năm phát triển, các chuỗi cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc nay đã trải rộng khắp toàn quốc, xuất hiện từ mặt phố lớn đến từng ngõ ngách dân cư. Không chỉ bán hàng hóa, các cửa hàng còn lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác như thanh toán hộ các loại phí sinh hoạt, nạp tiền thẻ giao thông công cộng T-money, đổi tiền, máy ATM, đổ xăng…
Máy ATM tại các cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc chấp nhận hầu hết các loại thẻ quốc tế. Bạn cũng có thể rút tiền mặt với tối đa 100.000 KRW cho mỗi giao dịch với mức phí từ 3.000 – 4.000 KRW.
2. Mua gì ở cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc?
Ở đây hầu như cái gì cũng có, từ đồ dùng sinh hoạt hàng ngày đến rau củ quả, thức ăn sẵn, rượu bia… Các bạn sinh viên không nên bỏ qua các món ăn chế biến sẵn đậm chất Hàn Quốc khá ngon và giá rẻ.
2.1 Thực phẩm chế biến nhanh
Ở đây có nhiều món ăn nhanh, hay chỉ cần qua vài bước chế biến. Sinh viên và giới văn phòng thường chọn loại này vì nhanh, gọn, lại rẻ. Có thể kể đến kimbap, ramen, sandwich, mì xào, cơm trộn, bánh bao… Giá một phần chỉ từ 1.5000 – 3.000 KRW (30.000 – 60.000 VND) tùy món.
Hầu như các cửa hàng đều có khu vực nấu ăn riêng dành cho khách. Nếu quá bận rộn không thể nấu ăn tại nhà, hoặc không thích đồ ăn làm sẵn thì bạn có thể mua vài món rau củ nguyên liệu, sau đó nấu nướng rồi ngồi ăn luôn tại cửa hàng rất tiện.
Kimbap tam giác – món ăn nhanh rất phổ biến tại cửa hàng tiện lợi
2.2 Thức uống phổ biến tại cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc
Có đủ loại thức uống được bày bán tại cửa hàng tiện lợi, từ sữa, nước trái cây, đến rượu, bia. Vốn dĩ cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc ban đầu thường bán bia rượu, giá rẻ hơn gần một nửa so với các quán rượu. Đặc biệt, các loại rượu soju và bia nhập khẩu có giá chỉ dưới 2.000 KRW.
Tùy vào diện tích sẵn có mà cửa hàng sẽ kê thêm bàn ghế ở phía trong hoặc ngoài cho khách ngồi ăn uống.Ngay giữa thủ đô Seoul đắt đỏ, dễ gì tìm được một nơi giá rẻ có thể ngồi ăn uống thoải mái, uống bia rượu cùng bạn bè như tại cửa hàng tiện lợi.
Cửa hàng tiện lợi GS25 có bày bàn ghế bên ngoài cho thực khách
3. Bộ 3 “ông lớn” cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc
Tính đến nay, Hàn Quốc có hơn 40.000 cửa hàng tiện lợi trên khắp cả nước, tập trung nhiều ở các thành phố lớn. Mật độ cửa hàng dày đến nỗi người ta vẫn nói “đi dạo bất cứ con phố nào ở Seoul, bạn cũng sẽ tìm thấy cửa hàng tiện lợi”.
Nổi tiếng nhất là CU, GS25 và 7-Eleven, hiện được xem là “Big 3” – bộ 3 quyền lực trong hệ thống cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc. Bên cạnh là nhiều thương hiệu khác với đủ quy mô lớn nhỏ, có cả của tư nhân.
GS25 là thương hiệu nội địa Hàn Quốc, do tập đoàn GS Group phát triển với 13.900 cửa hàng trên toàn quốc (tính đến cuối năm 2019). GS25 gần như bán tất cả các mặt hàng, từ rau củ quả tươi sống đến thực phẩm đã chế biến.
Viết tắt của cụm từ “Convenience store for You”, CU trước đây là thương hiệu nhượng quyền của Family Mart (Nhật Bản), nhưng từ năm 2012 đã chính thức trở thành chuỗi bán lẻ của Hàn Quốc. Hiện CU có hơn 13.800 cửa hàng trên toàn quốc tính đến cuối năm 2019.
Đứng thứ 3 là chuỗi 7-Eleven của Nhật – Mỹ, vốn là thương hiệu cửa hàng tiện lợi xuất hiện đầu tiên ở Hàn Quốc. Hiện 7-Eleven có hơn 10.000 cửa hàng tính đến cuối năm 2019.
7-Eleven – chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn thứ 3 Hàn Quốc
Cửa hàng tiện lợi rất quen thuộc với du học sinh bởi có bán nhiều loại vật dụng hàng ngày và thức ăn với giá cả phù hợp túi tiền sinh viên. Đây cũng là nơi làm thêm rất phổ biến của du học sinh với các công việc như thu ngân, giao hàng, dọn dẹp… Cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc sẽ là trải nghiệm thú vị chớ nên bỏ qua nếu bạn có cơ hội đến thăm Hàn Quốc.